Trộn dầu Ôliu vào món sa lát có thể giúp làm giảm huyết áp và bảo vệ tim chống lại những tổn thương do ô nhiễm không khí
Dầu Ôliu và rau giàu Nitrat như rau diếp giúp giảm huyết áp
Các nhà khoa học Anh thấy rằng ăn một lượng tương đương 2/3 thìa cà phê dầu Ôliu mỗi ngày có thể giảm tác động của ô nhiễm không khí đối với tim. Một nghiên cứu khác cũng cho thấy dầu Ôliu có thể làm giảm huyết áp khi ăn cùng một số loại rau.
Từ lâu dầu Ôliu đã được xem là bí quyết khiến người dân vùng Địa Trung Hải sống thọ hơn và khỏe mạnh hơn. Giờ đây, các nhà khoa học đã tìm ra cơ chế sinh học của tác dụng này. Họ thấy rằng chế độ ăn có nhiều những loại chất béo như dầu Ôliu và các loại rau giàu Nitrat như rau diếp có thể làm giảm huyết áp.
Một chế độ ăn như vậy thường chứa: chất béo không no “tốt” có trong dầu Ôliu, các loại hạt vỏ cứng, trái bơ, rau bina, cần tây và cà rốt chứa hàm lượng Nitrat cao.
Khi hai chất này kết hợp với nhau sẽ tạo thành các Axít béo Nitro. Thí nghiệm trên chuột cho thấy Axít béo Nitro làm giảm huyết áp.
GS Philip Eaton, Khoa Sinh hóa tim mạch Trường King's College, London (Anh) cho biết: “Phát hiện của chúng tôi giúp giải thích tại sao chế độ ăn kiểu Địa Trung Hải được bổ sung thêm dầu Ôliu tinh chế hoặc hạt có vỏ cứng cũng có thể làm giảm tỷ lệ mắc các bệnh tim mạch như đột qụy, suy tim và đau tim”.
Đồng thời, một nghiên cứu khác do các nhà khoa học Mỹ tiến hành lại cho thấy bổ sung dầu Ôliu có thể làm giảm tác động của ô nhiễm không khí đến sức khỏe.
Phơi nhiễm với ô nhiễm không khí mức độ cao có liên quan với tăng nguy cơ bệnh tim, đột qụy và hen. Ví dụ, các tiểu phân vi thể từ động cơ diesel làm tăng viêm, khiến mạch máu xơ cứng, tăng huyết áp và tăng nguy cơ huyết khối.
Trong nghiên cứu do Cục Bảo vệ môi trường Mỹ tiến hành, các nhà nghiên cứu đã cho 42 đối tượng là người lớn khỏe mạnh tiếp xúc với mức độ ô nhiễm không khí có kiểm soát. Những người này được dùng 3g dầu Ôliu hoặc dầu cá mỗi ngày hoặc không được bổ sung gì trong 4 tuần trước khi tiếp xúc trong 2 giờ với không khí đã lọc. Ngày tiếp theo họ phải tiếp xúc trong 2 giờ với không khí ô nhiễm.
Mạch máu của các đối tượng được đo bằng siêu âm trước, ngay sau khi tiếp xúc và 20 giờ sau khi tiếp xúc.
Kết quả cho thấy có hiện tượng co hẹp mạch máu đáng kể ngay sau khi tiếp xúc với không khí ô nhiễm ở nhóm không được bổ sung và nhóm được bổ sung dầu cá.
Tuy nhiên, không thấy sự co hẹp mạch máu này ở nhóm dùng dầu ô liu.
Ngoài ra, nhóm dùng dầu Ôliu cũng tăng một protein giúp phá vỡ các cục huyết khối hình thành sau khi tiếp xúc với không khí ô nhiễm. Các cục huyết khối này có thể gây đau tim nếu xảy ra gần tim hoặc gây đột qụy nếu xảy ra ở não.